Hiểu “đơn giản” về kiểm toán – Mentee Huỳnh Hải Quân – UEH Mentoring

#31181021088
#Training
[RECAP buổi 9 – 29/06/2021] Mentor: anh Trần Đặng Dũng
Mentee: Huỳnh Hải Quân
—–
Chủ đề: HIỂU “ĐƠN GIẢN” HƠN VỀ KIỂM TOÁN
—–
Khuyến cáo là phần recap của mình là phần mình đã tiêu hoá và có chế biến nên về phần outline không giống với những gì anh Dũng chia sẻ, và vì có tính cá nhân nên thông tin có thể có những sai sót khác và độ tin cậy không cao.
—–
I. Vì sao mình tham dự buổi training này?
Là một sinh viên ngành quản trị, đã tham gia thị trường tài chính trong khoảng 2 năm gần đây. Hoạt động của mình trong đầu tư dính dáng rất nhiều đến việc đọc và phân tích BCTC, tuy vậy mình không bao giờ tin tưởng hết tất cả những số liệu được ghi bên trong, kể cả đã có kiểm toán. Mình luôn cố gắng hiểu thấu các hoạt động kinh tế đằng sau những con số được đưa ra trong BCTC để có thể đánh giá chính xác hơn nhằm hỗ trợ phân tích cơ bản.

Thế nhưng, mình biết đến những trường hợp mà từ phía BOD của công ty chấp nhận việc “xào nấu” số liệu trong BCTC, miễn sao nó đáp ứng được các chuẩn mực kế toán, họ lợi dụng những điểm còn mơ hồ trong chuẩn mực ghi nhận và lỗ hổng chuẩn mực để làm BCTC của họ trông có vẻ đẹp hơn. Những người đầu tư như mình nếu chỉ căn cứ vào số liệu họ cho mình thấy thì rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm.

Lúc này mình mới thắc mắc, mình cứ tưởng cứ “kiểm toán” xong là mọi thứ đều minh bạch rõ ràng chứ? Có vẻ mình vẫn không hiểu rõ được phạm vi trách nhiệm của kiểm toán trong việc “kiểm” BCTC là gì khi mà một vài doanh nghiệp vẫn có thể “xào nấu” số liệu.

Mình đến buổi training với một tâm thế học hỏi thêm về công việc của kiểm toán, phạm vi trách nhiệm của kiểm toán và các bước mà kiểm toán thực hiện công việc của họ, mình nghĩ bằng cách thấu hiểu rõ những điều này sẽ giúp mình nắm được đâu là những gì mình nên kỳ vọng ở kiểm toán đối với BCTC và những hạn chế của họ, từ đó đưa ra những quyết định hợp lý hơn.

Dưới đây là nội dung buổi training được “tiêu hoá” dưới góc nhìn của mình – tâm thế của một nhà đầu tư nên ít nhiều sẽ thiếu đi sự độc lập – khách quan.

II. Vì sao (cần) có kiểm toán?
Từ “kiểm toán” có nguồn gốc là chữ Audit, trong tiếng Latinh có nghĩa là người nghe. Ra đời để giải quyết các nhu cầu của con người trong thời đó như

(1) Đảm bảo thông tin bên đối tác cung cấp là đúng để ra quyết định hợp lý trong kinh doanh, hợp tác,… vì nếu thông tin sai (kể cả do gian lận hay nhầm lẫm,…) thì sẽ gây ra nhiều thiệt hại. Đây là một nhu cầu rất là chính đáng, tuy vậy thì ở văn hoá Á Đông chúng ta thường hay hoạt động dựa trên “niềm tin” với nhau, “Chú làm việc với anh mà không tin anh hả?” hay “Anh em bạn bè với nhau, tình cảm thân thiết gắn bó, sao lại đi nói đến tiền bạc?” phân phân và mây mây. Dẫu là thế thì mình vẫn quan điểm rằng mọi thứ nên được rõ ràng ngay từ đầu để sau này khi xảy ra chuyện không làm mất lòng nhau.

(2) Nhu cầu chứng thực thông tin được diễn ra trong nhiều tình huống đời sống khác nhau.
Ngày nay, do thói quen nên khi nhắc đến kiểm toán thì chúng ta chỉ còn nhớ đến ngay là kiểm toán “kiểm” BCTC.

III. Vậy người kiểm toán làm gì để giải quyết nhu cầu chứng thực như trên?

Theo A. A. Arens & J. K. Locbbecke, kiểm toán là quá trình thu thập bằng chứng, đánh giá bằng chứng về những thông tin được kiểm tra nhằm xác định mức độ phù hợp (note: bằng cách so sánh, đối chiếu với tiêu chuẩn) và báo cáo về mức độ phù hợp (note: bằng cách đưa ra ý kiến, thuyết minh) giữa những thông tin với tiêu chuẩn được thiết lập. Quá trình kiểm toán phải được thực hiện bởi các kiểm toán viên đủ năng lực và độc lập.

Mục tiêu của kiểm toán là thoả mãn khách hàng trong việc chứng thực được thông tin ở mức độ chính xác càng cao càng tốt và rồi kết quả cuối cùng là nếu thông tin không phù hợp chuẩn mực thì phải phải được đưa về đúng chuẩn mực, còn không phải được ghi chú lại rõ ràng. Tuy vậy, rất khó để đạt được chính xác tuyệt đối 100% vì hạn chế trong việc tiếp cận thông tin, hạn chế nguồn lực, các giới hạn,…

Vậy vì sao việc kiểm toán lại không dễ?
(1) À mà để chứng thực thông tin thì cần biết thông tin cần được chứng thực là gì và thông tin phải tồn tại trước đúng không? Tương tự như việc để kiểm toán làm việc thì phải có BCTC từ phía BOD của công ty khách hàng rồi. Nhưng mà éo le ở Việt Nam là kiểm toán nhiều khi phải làm cả cái BCTC cho khách hàng luôn(về cơ bản không phải trách nhiệm của họ), mà họ tự làm rồi tự sửa thì làm sao mà đảm bảo tính độc lập – khách quan? Mà nếu không độc lập – khách quan rồi thì các bên hữu quan sử dụng BCTC như nhà đầu tư, ngân hàng,… phải coi chừng, chúng ta lấy BCTC để ra các quyết định đầu tư khác nhau mà giờ BCTC sai thì quyết định đầu tư dễ mà đi đời nhà ma theo rồi thiệt hại.

(2) Nếu xét riêng về khía cạnh BCTC thì công việc của kế toán là làm việc với dữ liệu sơ cấp, còn kiểm toán thì làm việc với dữ liệu thứ cấp rồi cả đưa ra những sửa chữa thay đổi. Mà công việc tìm ra lỗi sai mà sửa thật ra còn khó hơn nhiều là làm số liệu sơ cấp, vì để biết sai như nào thì phải biết được cách mà kế toán làm việc với dữ liệu sơ cấp như thế nào, rồi đâu là tiêu chuẩn đúng và cách làm đúng để mà đối chiếu. Xong rồi còn phải phân tích nguyên nhân rồi đưa ra giải pháp nữa chứ. Trời ạ, trong khi mỗi công ty được kiểm toán thì khác nhau, hệ thống cũng khác nhau nốt và phức tạp, nhiều khi phải hiểu nguyên cái hệ thống của công ty mới sửa lỗi được. Cho nên là kiểm toán giống như là siêu nhân vậy.

(3) Tới mùa kiểm toán thì làm việc ngày đêm, đừng hỏi vì sao bạn nào chưa có bồ đi làm kiểm toán lại hay ế.

Quay về khái niệm
Oke, quay về khái niệm của A. A. Arens & J. K. Locbbeck, tìm và đánh giá bằng chứng cho thông tin, nghe rất là make sense.
Nhưng mà ngẫm nghĩ thì trong đầu mình có rất nhiều câu hỏi, “Thông tin được kiểm tra” là cái gì nhỉ? (1) Làm thế nào để biết thông tin nào cần được kiểm tra? (2) Rồi bằng chứng này là cái gì, có mấy loại bằng chứng? (3) Rồi tiêu chuẩn này từ đâu ra?
(1) Thông tin nào cần được kiểm tra?
Câu này rất khó trả lời vì nó phụ thuộc vào nhu cầu khách hàng và khả năng của người kiểm toán trong việc xác định thông tin cần kiểm tra.
(2) Bằng chứng là bằng chứng kiểm toán
(3) Tiêu chuẩn do các hiệp hội đặt ra trên cơ sở giúp mọi người tốt hơn.
Để hiểu chi tiết hơn về (1) và (2) thì ta phải nhìn vào chuỗi chu trình làm việc của kế toán, bỏ qua việc thì tìm kiếm khách hàng thì

IV. Chuỗi chu trình làm việc từ khi ký hợp đồng đến hoàn thành
Để đỡ phúc tạp thì mình sẽ bỏ qua những phần tìm kiếm hợp đồng

(1) Ký hợp đồng
Cùng nhìn vào thực tế thì khi bên kiểm toán ký hợp đồng với khách hàng thì
– Điều đầu tiên là hợp đồng cần tuân thủ các tiêu chuẩn phù hợp trong kiểm toán này. (dĩ nhiên rồi)
– Nêu ra hết các bên liên quan
– Kế đến thì việc kiểm toán như là một dự án vậy đó, do đó cần rõ ràng về quy mô, chất lượng, thời gian và chi phí (thuật ngữ là SPTC). Do sự hạn chế của nguồn lực (thời gian, chi phí, …) và việc tối ưu hoá( quy mô phù hợp, chất lượng phù hợp,…) nên ĐỪNG KỲ VỌNG CAO về thoả mãn hết về việc một kết quả tuyệt đối có phạm vi tuyệt đối (kiểm hết 100%), chất lượng tuyệt đối (không được sai bất kỳ chỗ nào!), tiết kiệm nhất(ít tiền thôi nha) mà nhanh nhất (làm nhanh giùm tui cái). Việc kỳ vọng cao hoàn hảo như này là phi lý.
– Rồi phải hợp đồng rõ về quyền và trách nhiệm của 2 bên, đặc biệt là việc cung cấp thông tin như thế nào.
– Phân phân mây mây

Quay về SPTC thì
• Quy mô (Scope) cho thấy phạm vi công việc của kiểm toán sẽ chỉ dừng lại ở đâu.
• Chất lượng (Performance) cho thấy chất lượng công việc sẽ dừng lại ở đâu.
Quy mô và chất lượng thường đi chung với nhau trong hợp đồng kiểm toán dẫn đến mức độ đảm bảo (Assurance Level)
+ Kiểm toán (Audit) => đảm bảo hợp lý (Reasonable Assurance – Positive)
+ Soát xét (Review) => đảm bảo có giới hạn (Limited Assurance – Negative)
+ Dịch vụ liên quan (Related Service – Agreed Upon Procedures) => không đưa ra sự đảm bảo (No assurance)
Căn cứ vào đó, mà tìm hiểu và xác định được
• Thời gian (Time) mà khách hàng mong muốn hoàn thành
• Chi phí (Cost) phù hợp với quy mô, chất lượng, thời gian. Quy mô hay chất lượng càng cao thì chi phí càng cao vì cần dùng nhiều nguồn lực để hoàn thành. Thời gian càng ngắn thì chi phí càng cao thêm thì cần điều phối nhiều nguồn lực hơn nữa để hoàn thành.
Phía khách hàng và phía kiểm toán phải trao đổi, sửa chữa và thoả thuận với nhau rõ ràng về SPTC trong hợp đồng.

Trong quá trình này kiểm toán còn phải có tầm nhìn xa hơn, xem xét xem liệu công ty này có đủ uy tín, chính trực,… để cung cấp thông tin đàng quàng cho mình thực hiện công việc của mình?

Làm kiểm toán éo le cái là có một phần phải làm việc dựa trên những gì công ty này cung cấp (note 1) trong khi phải chịu trách nhiệm về cái mình làm (note 2).
Note 1: Cơ sở dẫn liệu (VSA 315): “Là các khẳng định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán một cách trực tiếp hoặc dưới hình thức khác về các khoản mục và thông tin trình bày trong báo cáo tài chính và được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót có thể xảy ra”
Note 2: (VSA240) “Khi thực hiện kiểm toán theo VSA, KTV chịu trách nhiệm đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không “

Hợp đồng xong rồi thì làm thôi.

Để đỡ phức tạp thì mình sẽ bỏ qua câu chuyện chuẩn bị kiểm toán từ việc tiền kế hoạch và lập kế hoạch. Bỏ qua việc xâu dựng các thủ tục để đánh giá rủi ro(tìm hiểu về môi trường đơn vị, kiểm soát nội bộ,…) từ đó xác định sơ sơ được mức trọng yếu của các khoản mục.
Mình cũng sẽ bỏ qua bước các bước thiết lập thủ tục kiểm toán tiếp theo như( thử nghiệm kiểm toán, thử nghiệm cơ bản, thử nghiệp kép,…). Kết quả sau quá trình lập kế hoạch và thử nghiệp trên là lúc này mình đã có kế hoạch về kiểm toán, biết được đâu là mục trọng yếu.

Phần từ dưới trở xuống đây của mình là phương pháp tiếp cận 1 vấn đề của kiểm toán viên chứ không phải là cho một cuộc kiểm toán tổng thể.

(2) Quan sát, tìm hiểu tình huống
Dựa trên hợp đồng để xác định rõ SPTC, nguồn thông tin,… biết được mục đích của mình là thu thập bằng chứng và đánh giá bằng chứng nhằm xác định mức độ phù hợp và báo cáo mức độ phù hợp giữa những thông tin và tiêu chuẩn được thiết lập. Lúc này, căn cứ trên ngành nghề, quy mô của công ty khách hàng để đối chiếu với tiêu chuẩn, kiểm toán còn sử dụng thêm xét đoán chuyên môn của mình để
• Xác định những gì cần thu thập
• Và xác định cách thức làm để làm đúng từ đầu sau mà sau này có thể biết mình đủ bằng chứng hay chưa và từ đó đưa ra kết luận hình thành cơ sở ý kiến kiểm toán (Note 1)
• Và cẩn thận hơn vì phải chịu trách nhiệm. (Note 2)
• Xác định sự trọng yếu và mức độ trọng yếu của hoạt động kinh tế/khoản mục/…
Note 1: (VSA330) “ Kiểm toán viên phải sử dụng xét đoán chuyên môn để xác định liệu đã thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để làm giảm rủi ro kiểm toán đến một mức độ thấp có thể chấp nhận được hay chưa và từ đó đưa ra kết luận làm cơ sở hình thành ý kiến kiểm toán”
Note 2: (VSA240 sau 2014) “Khi thực hiện kiểm toán theo VSA, KTV chịu trách nhiệm đạt được sự đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không.”

Lúc này, người kiểm toán đã biết được đâu là những chỗ/mục/số liệu mình cần thực hiện kiểm toán để đảm bảo hợp lý rằng liệu BCTC, xét trên phương diện tổng thể, có còn sai sót trọng yếu do gian lận hoặc nhầm lẫn hay không, đồng thời lên kế hoạch, sắp xếp khối lượng công việc và phân bổ nguồn lực của mình.
Sau khi biết được những chỗ cần thực hiện với một tầm nhìn dài hạn, kiểm toán viên liên hệ với bên khách hàng để lấy thông tin hoá đơn chứng từ cần thiết. Mình đặt ra một câu hỏi là “Liệu kiểm toán viên phải lấy hết tất cả thông tin của công ty khách hàng à?” Câu trả lời không nhất thiết phải kiểm tra hết 100% số hoá đơn chứng từ và cách thức hạch toán các hoạt động kinh tế đằng sau vì
(1) Rất khó để công ty đưa hết tất cả thông tin vì lý do kinh doanh, bảo mật,…
(2) Kiểm tra hết thì mất rất nhiều nguồn lực.

Thay vì vậy, một cách hiệu quả hơn là kiểm toán sử dụng phương pháp tương tự trong THỐNG KÊ HỌC bằng cách lấy một số lượng mẫu trong tổng thể để kiểm tra.

Sự logic trong phương pháp này là thông qua việc nghiên cứu một số lượng mẫu phù hợp thì ta mô tả và rút ra được những thông tin/đặc tính đại diện từ mẫu này, và những mô tả mẫu này cũng đồng thời đại diện được cho thông tin/ đặc tính của tổng thể. Tất nhiên là có nhiều điều cần quan tâm trong việc chọn mẫu và khảo sát như thiên kiến, phương pháp lẫy mẫu, sai số,… nhưng mình sẽ không nói chi tiết ở đây.
Tiếp đó là việc mà kiểm toán viên đối chiếu với câu chuyện về chuẩn mực kế toán/ quy định phải thực hiện/ ghi nhận như thế nào.

(3) Theo chuẩn mực kế toán/ quy định phải thực hiện/ ghi nhận ntn.
Vì việc so sánh đối chiếu này cần có thông tin và số liệu được cung cấp từ phía công ty khách hàng. Dù rằng theo quy định thì công ty phải khẳng định một cách trực tiếp hoặc dưới hình thức khác về các khoản mục và thông tin trình bày trong báo cáo tài chính và được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót có thể xảy ra (Note 1), nhưng kiểm toán viên cũng cần đánh giá lại những khẳng định này của công ty.
• Đối với các nhóm giao dịch và sự kiện trong kỳ thì công ty cần khẳng định về
(1) Tính hiện hữu (Occurrence): hoạt động kinh tế đó có thực sự tồn tại, xảy ra?
(2) Tính đầy đủ (Completeness): công ty có ghi nhận đầy đủ không?
(3) Tính chính xác (Accuracy): công ty có ghi nhận chính xác không? 100 có ghi đúng 100 hay ghi 98?
(4) Đúng kỳ (Cutoff): Công ty có ghi nhận đúng kỳ kế toán không?
(5) Phân loại (Classification): Phân loại hoạt động kinh tế để hạch toán có đúng không?
• Đối với số dư tài khoản vào cuối kỳ
(1) Tính hiện hữu (Existence): hoạt động kinh tế hay số liệu này có thực sự tồn tại? Hay là công ty ghi số liệu giả?
(2) Quyền và nghĩa vụ (Rights and obligations): Những cái ghi này có thực sự là trong quyền và nghĩa vụ của công ty không? Hay của người khác?
(3) Tính đầy đủ (Completeness): Ghi nhận có đầy đủ không?
(4) Đánh giá và phân bổ (Valuation and allocation): Định giá có đúng không? Phân bổ có phù hợp và đúng kỳ không?
• Đối với các trình bày và thuyết minh
(1) Tính hiện hữu, quyền và nghĩa vụ (Occurrence, rights and obligations)
(2) Tính đầy đủ (Completeness)
(3) Phân loại và tính dễ hiểu (Classification and understandability)
(4) Tính chính xác và đánh gía (Accuracy and Valuation)

Bằng cách đối chiếu và so sánh, kiểm toán viên lúc này có được một hình dung định tính và định lượng về các đặc tính/thông tin của mẫu. Kiểm toán viên sẽ đi đến bước tiếp theo là phân tích.

 Note 1: Cơ sở dẫn liệu (VSA 315): Là các khẳng định của Ban Giám đốc đơn vị được kiểm toán một cách trực tiếp hoặc dưới hình thức khác về các khoản mục và thông tin trình bày trong báo cáo tài chính và được kiểm toán viên sử dụng để xem xét các loại sai sót có thể xảy ra.

(4) Phân tích, nhận định rủi ro phát sinh sai sót (fraud & error).
Lúc này, nếu kiểm tra và phân tích cho thấy mọi thứ đều không có vấn đề gì về việc nhầm nhẫm hay gian lận trong BCTC thì sẽ khoản mục này sẽ được coi là hoàn thành. Kiểm toán đi đến kiểm tra khoản mục khác. Ngược lại, nếu kiểm tra và phân tích nói cho thấy rằng “dường như có sự nhầm nhẫn hay gian lận trong BCTC, cụ thể là trong khoản mục này với vấn đề là ABC”, kiểm toán sẽ bắt đầu tìm kiếm bằng chứng (Note 1) để chứng minh xem giả thuyết được đặt ra là đúng (khẳng định giả thuyết) hay sai (phủ định giả thuyết).

Bằng chứng cần đảm bảo cả về lượng và chất như hình dưới

Note 1: Bằng chứng kiểm toán (VSA 500): Là tất cả các tài liệu, thông tin do kiểm toán viên thu thập được liên quan đến cuộc kiểm toán và dựa trên các tài liệu, thông tin này, kiểm toán viên đưa ra kết luận và từ đó hình thành ý kiến kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán bao gồm những tài liệu, thông tin chứa đựng trong các tài liệu, sổ kế toán, kể cả báo cáo tài chính và những tài liệu, thông tin khác.

(5) Thu thập bằng chứng kiểm toán.
Có nhiều cách để để thu thập bằng chứng kiểm toán, ví dụ như
1. Kiểm tra (vật chất và tài liệu) (Inspection)
Tui thấy nghi ngờ nên tui yêu cầu công ty cung cấp thêm vật chất và tài liệu có liên quan như quy trình, bảng số liệu,… ngoài ra tui cũng đọc thêm các tài liệu khác.
2. Quan sát (Observation)
Tuy vậy, tui không tin những gì được cung cấp trên hồ sơ, tài liệu nên tui quyết định đi quan sát thực tế và ghi nhận lại những gì tui thấy.
3. Xác nhận từ bên ngoài (External Confirmation)
Tui hỏi một đơn vị độc lập – khách quan bên ngoài xem liệu sự việc có như tui nghĩ hay không? Để họ xác nhận cho tui.
4. Phỏng vấn (Inquiry)
Khi tui không hiểu những gì được viết trong vật chất và tài liệu, mà tui cẩn trọng nên cũng có nhiều nghi ngờ. Do đó tui quyết định phỏng vấn thực tế những người đang làm như kế toán của công ty, nhân viên công ty,…
5. Tính toán lại (Recalculation)
Tui tính toán lại theo phần kiểm toán của mình theo chuẩn mực kế toán, đúng quy định phải thực hiện cách thức ghi nhận. Và rồi tui đối chiếu một lần nữa.
6. Thực hiện lại (Reperformance)
Tui kêu công ty thực hiện lại đúng cách họ làm từ đầu đến cuối để tui nhìn nhận xem quy trình làm việc, cách thức hạch toán ghi nhận,… nó ra sao, sai thế nào, điểm yếu gì,…
7. Phân tích (Analytical Procedures)
Tui dùng năng lực của tui để phân tích mấy cái trên.

Lúc này, nếu giả thuyết của kiểm toán là đúng, đúng là có sai sót do nhầm lẫn hay gian lận gì đó thì kiểm toán viên phải đánh giá xem mức độ trọng yếu của sai sót

(6) Đánh giá mức độ trọng yếu của sai sót.
Mức độ trọng yếu của sai sót được dựa trên việc sai sót này liệu có tạo ra những ảnh hưởng có tác động lớn đến với việc đưa các quyết định hay không và lớn như nào.

(7) Trao đổi với cấp có thẩm quyền, yêu cầu điều chỉnh.
Nếu thấy có ảnh hưởng trọng yếu, kiểm toán viên sẽ liên hệ với các cấp có thẩm quyền như ban giám đốc, người chịu trách nhiệm/… để yêu cầu điều chỉnh.

(8 ) Nếu không điều chỉnh, đánh giá ảnh hưởng tổng thể của sai sót.
Nếu kết quả cuối cùng không được điều thì đánh giá lại ảnh hưởng của sai sót này và rồi ban hành ý kiến kiểm toán thích hợp.

(9) Ban hành ý kiến kiểm toán phù hợp.
Kiểm toán đưa ra ý kiến của mình về việc BCTC có sai sót do nhầm lẫn hay gian lận nào không. Đồng thời cần nêu rõ phạm vi trách nhiệm của hợp đồng kiểm toán này để các bên sử dụng nắm rõ và đặt kỳ vọng phù hợp. Kiểm toán cũng cần đưa ra cách thức mà kiểm toán thực hiện để thực hiện công việc kiểm toán của mình. Nếu có sai sót trọng yếu thì phải đưa ra thông tin một cách khách quan trung thực nhất.

(10) Hoàn thiện và thanh lý hợp đồng.

V. Khung viết tài liệu
Anh Dũng có chia sẻ 2 khung viết tài liệu mà mình nghĩ rất hay và dễ hiểu cho người nhận, đồng thời hỗ trợ được các việc xem lại sau này.
Working Paper
1. Objectives: Mục đích để thực hiện công việc là gì?
2. Workdone: Đã làm những công việc gì?
3. Findings: Sau khi làm, phân tích xong thì tìm thấy những điều gì?
4. Conclusion: Xem xét đánh giá lại những phân tích, đưa ra kết luận phù hợp.
Minute/Report
1. Observation/Issues: nhìn thấy vấn đề, khó khăn gì?
2. Impact/Risks/Consequences những vấn đề khó khăn đó có thể mang đến những tác động, rủi ro hay hậu quả gì? Vì sao?
3. Recommendation/Solution: Vậy thì giải pháp ở đây là gì? Vì sao giải pháp này sẽ xử lý/hạn chế được vấn đề, khó khăn trên.

VI. Đáp án cho mục đích tham gia của mình, bài học rút ra

Như vậy, nếu xét trên chu trình hoạt độnh kiểm toán thì có thể thấy rằng mình không thể kỳ vọng tính chính xác 100% của BCTC sau kiểm toán vì ảnh hưởng bởi các yếu tố như SPTC của hợp đồng kiểm toán, phụ thuộc vào việc công ty cung cấp và khẳng định thông tin cho kiểm toán và sự sai sót tiềm năng trong phương pháp kiểm toán.

Bài học mình rút ra với góc nhìn đầu tư:
Đầu tiên, kiểm toán cũng chỉ thực hiện sao cho nó đạt được các tiêu chuẩn, chuẩn mực. Nếu có các sự mơ hồ trong chuẩn mực thì cùng lắm kiểm toán chỉ đưa ra ý kiến cho mình biết chứ không tác động quá lớn.

Thứ hai, đối với SPTC, mình nên đọc kỹ những gì kiểm toán ghi trong BCTC để biết rõ phạm vi trách nhiệm của kiểm toán để không đặt kỳ vọng quá cao và sai.

Thứ ba, ngay từ đầu thì mình nên tìm một công ty mà BOD của công ty có thể tin tưởng được, chính trực vì quá trình phụ thuộc rất nhiều vào việc công ty cung cấp số liệu cho kiểm toán.

Thứ tư, nếu có những sai sót trọng yêu hoặc những thông tin đặc biệt thì kiểm toán sẽ để lại ý kiến cho mình biết trong phần báo cáo của họ. Mình cần đọc kỹ hết phần kiểm toán của kiểm toán viên.

Cuối cùng, mình nên chấp nhận sẽ có những sự sai sót và nhầm lẫn nhưng không được coi là trọng yếu do sự hạn chế trong phương pháp kiểm toán.

—–
Cảm ơn anh Dũng đã dành thời gian quý giá để chia sẻ và trao đổi với các bạn mentee.
Cảm ơn các anh, chị và bạn Ban Tổ Chức chương trình UEH Mentoring đã gầy dựng chương trình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *